2.2. Lực hấp dẫn – Trọng lực

Để tìm được tính chất chuyển động của một vật, ta phải xác định các lực tác dụng lên nó. Vì vậy cần nghiện cứu bản chất và đặc điểm của các lực trong cơ học.

Trong tự nhiên tồn tại 4 loại lực tương tác: lực hấp dẫn, lực điện từ, lực tương tác mạnh (lực hạt nhân) và lực tương tác yếu. Lực hạt nhân và lực tương tác yếu có bán kính tác dụng vi mô nên không xuất hiện trong cơ học cổ điển – cơ học của các vật vĩ mô. Đối với vật thể vĩ mô, lực điện từ thể hiện dưới hai dạng: lực đàn hồi và lực ma sát. Vì vậy trong cơ học cổ điển, xét về bản chất, có ba loại lực gọi là lực cơ học: lực hấp dẫn, lực đàn hồi và lực ma sát. Về mặt hình thức, người ta chia các lực cơ học làm hai loại: các lực trực tiếp tác dụng vào vật (lực hấp dẫn) và các lực liên kết với chuyển động của vật (phản lực, lực ma sát, lực căng dây). Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu đặc điểm của các lực này.

Các vật trong vũ trụ đều hút lẫn nhau bằng các lực có cùng bản chất – gọi là lực hấp dẫn. Newton là người đầu tiên phát hiện ra rằng, nguyên nhân làm cho quả táo rơi xuống đất, Mặt trăng quay quanh Trái Đất hay nguyên nhân làm các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời đó chính là lực hấp dẫn. Ông đã thiết lập được biểu thức định lượng của lực hấp dẫn và phát biểu thành định luật vạn vật hấp dẫn.

Nhận Dạy Kèm Vật Lý Đại Cương Online qua ứng dụng Zoom, Google Meet,...

1) Định luật vạn vật hấp dẫn (định luật hấp dẫn)

Hai chất điểm bất kì luôn hút nhau một lực gọi là lực hấp dẫn. Lực này tỉ lệ thuận với tích khối lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng.

 \( {{F}_{hd}}=G\frac{{{m}_{1}}{{m}_{2}}}{{{r}^{2}}} \) hay  \( {{\overrightarrow{F}}_{hd}}=-G\frac{{{m}_{1}}{{m}_{2}}}{{{r}^{3}}}\vec{r} \) (2.8)

G: gọi là hằng số hấp dẫn,  \( G=6,{{68.10}^{-11}}\text{ }\left( N{{m}^{2}}/k{{g}^{2}} \right) \)

Để tính lực hấp dẫn của một vật thể khối lượng m1 bất kì lên một chất điểm khối lượng m2, ta chia nhỏ vật thể đó thành những phần tử khối lượng dm1 rồi vận dụng (2.8), tích phân trên miền thể tích (V) của vật m1:

 \( {{F}_{hd}}=G{{m}_{2}}\int\limits_{(V)}{\frac{d{{m}_{1}}}{{{r}^{2}}}} \)  (2.9)

Kết quả tính tích phân (2.9) cho phép rút ra một số kết luận sau:

+ Lực hấp dẫn của một quả cầu đồng nhất lên một chất điểm ở ngoài quả cầu tựa hồ như toàn bộ khối lượng của quả cầu tập trung tại tâm của nó.

+ Lực hấp dẫn của một quả cầu rỗng đồng nhất lên một chất điểm ở trong quả cầu luôn bằng không. Nói cách khác, vỏ cầu đồng nhất không hấp dẫn bất kì vật nào bên trong nó.

Từ kết quả trên suy ra, lực hấp dẫn của Trái Đất tác dụng lên một vật nhỏ ở ngoài Trái Đất là:

 \( {{F}_{hd}}=G\frac{mM}{{{\left( R+h \right)}^{2}}} \)  (2.10)

Với M là khối lượng và R là bán kính của Trái Đất, h là độ cao từ mặt đất đến vật.

Nếu vật nằm trong lòng Trái Đất thì chỉ có phần nằm trong khối cầu bán kính r (r < R) là tác dụng lực hấp dẫn lên vật, do đó lực hấp dẫn trong trường hợp này là:  \( {{F}_{hd}}=G\frac{mM’}{{{r}^{2}}} \), với M’ là khối lượng phần Trái Đất nằm trong hình cầu bán kính r. Coi mật độ khối lượng Trái Đất phân bố đều thì ta có:

 \( \frac{M’}{V’}=\frac{M}{V}\Rightarrow M’=M\frac{V’}{V}=M\frac{{{r}^{3}}}{{{R}^{3}}} \) \( \Rightarrow {{F}_{hd}}=G\frac{Mm}{{{R}^{3}}}.r \)      (2.11)

Vậy trong lòng Trái Đất, lực hấp dẫn tỉ lệ thuận với bán kính r; tại tâm Trái Đất, lực hấp dẫn triệt tiêu; tại bề mặt Trái Đất, lực hấp dẫn đạt cực đại; bên ngoài Trái Đất, lực hấp dẫn tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách từ tâm Trái Đất đến vật. Hình (2.3) biểu diễn phân bố lực hấp dẫn của Trái Đất lên một vật nhỏ theo khoảng cách từ tâm Trái Đất đến vật.

Trong trường hợp tổng quát, tích phân (2.9) khá phức tạp, nên ta có thể tính gần đúng lực hấp dẫn giữa các vật thể bằng cách coi chúng là những chất điểm đặt tại khối tâm của chúng.

Bảng 2.1 Lực hấp dẫn của các vật trong vũ trụ

Do trị số của G quá nhỏ nên lực hấp dẫn chỉ đáng kể đối với vật có khối lượng rất lớn (các thiên thể). Chính vì thế, trong cuộc sống, ta không phát hiện ra lực hấp dẫn của các vật xung quanh. Bảng 2.1 cho ta một số giá trị của lực hấp dẫn giữa các vật khác nhau.

2) Trọng lực – gia tốc rơi tự do

Trọng lực của một vật, theo nghĩa gần đúng là lực hấp dẫn của Trái Đất tác dụng lên vật đó, có biểu thức:

 \( P={{F}_{hd}}=G\frac{Mm}{{{r}^{2}}}=mg  \)     (2.12)

Trong đó: M và m là khối lượng của Trái Đất và vật; r là khoảng cách từ tâm của Trái Đất đến vật và  \( g=\frac{{{F}_{hd}}}{m}=G\frac{M}{{{r}^{2}}} \)    (2.13) là gia tốc rơi tự do hay gia tốc trọng trường.

Vì bán kính Trái Đất rất lớn (R = 6400 km), nên ở gần mặt đất, gia tốc g coi như không đổi (trọng trường đều):   \( {{g}_{0}}=G\frac{M}{{{R}^{2}}}\approx 9,8\text{ }m/{{s}^{2}} \)   (2.14)

Khi lên cao, lực hấp dẫn giảm nên gia tốc g giảm theo quy luật: \({{g}_{h}}=G\frac{M}{{{\left( R+h \right)}^{2}}}={{g}_{0}}\frac{{{R}^{2}}}{{{\left( R+h \right)}^{2}}}\)    (2.15) với g0 là gia tốc tại mặt đất.

Ở độ sâu h so với mặt đất, từ (2.11) suy ra gia tốc rơi tự do là:  \( g=\frac{GM}{{{R}^{3}}}r={{g}_{0}}\frac{R-h}{R}={{g}_{0}}\left( 1-\frac{h}{R} \right) \)   (2.16)

Thực ra, vật luôn tham gia vào chuyển động tự quay của Trái Đất, nên ngoài lực hấp dẫn của Trái Đất, nó còn chịu tác dụng một lực  \( \overrightarrow{Q} \) – gọi là lực quán tính li tâm (chúng ta sẽ nghiên cứu sau).

Hợp lực:  \( \overrightarrow{P}={{\overrightarrow{F}}_{hd}}+\overrightarrow{Q} \)    (2.17) là trọng lực theo nghĩa chính xác.

Vậy theo nghĩa chính xác, trọng lực của một vật là lực mà Trái Đất hút nó khi có kể đến sự tự quay của Trái Đất.

Vì lực quán tính li tâm  \( \overrightarrow{Q} \) phụ thuộc vào vĩ độ, nên trọng lực  \( \overrightarrow{P} \)cũng phụ thuộc vào vĩ độ, kéo theo trị số của g thay đổi theo vĩ độ. Càng xa xích đạo, g càng tăng (ở xích đạo: g = 9,78 m/s2; ở địa cực: g = 9,83 m/s2). Các kết quả tính toán cho thấy thành phần quán tính li tâm  \( \overrightarrow{Q} \) rất nhỏ, chỉ làm g thay đổi tối đa 0,5%, nên để đơn giản, ta hiểu trọng lực theo nghĩa gần đúng, và khi đó, gia tốc rơi tự do g được tính theo các công thức (2.14), (2.15) và (2.16). Trong đa số các trường hợp, để đơn giản, ta thường chọn g = 10 m/s2.

Ngoài ra, gia tốc g còn phụ thuộc vào phân bố mật độ khối lượng của Trái Đất, nghĩa là phụ thuộc vào thành phần cấu trúc của lớp vỏ Trái Đất. Trước đây, người ta đã căn cứ vào sự thay đổi của g tại các nơi khác nhau để thăm dò địa chất.

3) Trọng lượng

Trọng lượng của một vật là lực mà vật ấy tác dụng lên giá đỡ hoặc dây treo nó, do bị Trái Đất (hoặc rộng hơn là các thiên thể) hút mà không được tự do chuyển động.

Thuật ngữ “trong lượng” và “trọng lực” thường hay bị lầm lẫn, thực ra chúng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trọng lực là lực hút của Trái Đất tác dụng lên vật, có điểm đặt tại trọng tâm của vật; còn trọng lượng là lực mà vật tác dụng vào giá đỡ hoặc dây treo, có điểm đặt tại giá đỡ hặc dây treo. Ở điều kiện bình thường, khi vật đứng yên so với mặt đất thì trọng lượng và trọng lực có cùng trị số. Nhưng khi vật chuyển động có gia tốc, thì trị số của trọng lượng có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn trị số của trọng lực P (hiện tượng tăng giảm trọng lượng – đọc thêm bài 6)

4) Đo khối lượng

Để do khối lượng của một vật, ta dùng một dụng cụ gọi là cái cân. Sơ đồ nguyên lý hoạt động của cái cân được mô tả ở hình (2.5).

Giả sử khối lượng vật cần cân là m, khối lượng chuẩn (quả cân) là mO. Vì ở cùng một nơi, gia tốc rơi tự do là không đổi, nên:  \( g=\frac{P}{m}=\frac{{{P}_{O}}}{{{m}_{O}}} \) hay  \( m={{m}_{O}}\frac{P}{{{P}_{O}}} \)

Khi cân thăng bằng ta có tỉ lệ:

 \( \frac{P}{{{P}_{O}}}=\frac{{{\ell }_{O}}}{\ell } \)

Do đó:  \( m={{m}_{O}}\frac{{{\ell }_{O}}}{\ell } \)   (2.18)

Đo chiều dài các cánh tay đòn OA, OB và biết khối lượng của quả cân mO ta se tính được khối lượng của vật.

Cái cân có sơ đồ nguyên lý ở hình (2.5) được gọi là cân đòn. Trong đó, cánh tay đòn OA là cố định, cánh tay đòn OB có các vạch chia sẵn tương ứng với khối lượng m của vật. Di chuyển quả cân (thay đổi chiều dài cánh tay đòn OB) đến vị trí cân thăng bằng, ta sẽ có số chỉ của khối lượng m.

Nếu cố định chiều dài các cánh tay đòn bằng nhau thì phải thay đổi khối lượng chuẩn mO cho đến khi cân thăng bằng. Lúc đó khối lượng m sẽ bằng tổng khối lượng các quả cân. Đó chính nguyên lý hoạt động của cân đĩa (cân Robecvan)

Đo khối lượng bằng phương pháp trên được gọi là phép cân. Mặc dù khi ta cân vật ở các địa điểm khác nhau thì gia tốc g có khác nhau, nhưng (2.18) không phụ thuộc vào gia tốc g nên phép cân không phụ thuộc vào địa điểm cân.

Một phương pháp đo khối lượng khác là dựa vào lực kế lò xo (cân lò xo). Ta biết độ giãn của lò xo tỉ lệ với lực đàn hồi. Nếu ta móc vật vào lò xo thì khi vật đứng yên cân bằng (trong hệ quy chiếu gắn với Trái Đất), độ lớn của lực đàn hồi chính bằng trọng lượng mg của vật. Do đó khối lượng của vật tỉ lệ với độ giãn của lò xo. Dựa vào độ giãn của lò xo, ta có thể suy ra khối lượng của vật. Phương pháp cân vật bằng các cân lò xo khá tiện lợi, nhưng kết quả không thật chính xác vì phụ thuộc vào gia tốc g (nghĩa là phụ thuộc vào địa điểm cân). Tuy nhiên, sai số là không đáng kể, nên trong đời sống hàng ngày, cân lò xo được sử dụng khá rộng rãi.


error: Content is protected !!
MENU
Trang Chủ