Cơ sở của Động lực học là ba định luật của Newton. Issaac Newton – nhà Vật lý người Anh (1642 – 1727). Trong công trình “Các tiên đề toán học của triết học tự nhiên”, công bố năm 1687, ông đã phát biểu những định luật cơ bản của cơ học cổ điển, thiết lập được định luật vạn vật hấp dẫn, nghiên cứu sự tán sắc áng sáng và khởi thảo những cơ sở của các phép tính vi phân và tích phân.
Một vật cô lập, nghĩa là hoàn toàn không chịu tác dụng của các vật khác, sẽ mãi mãi đứng yên (nếu nó đang đứng yên) hoặc chuyển động thẳng đều (nếu nó đang chuyển động). Nói cách khác, một vật cô lập sẽ bảo toàn trạng thái chuyển động của nó ( \( \vec{v}=\overrightarrow{const} \)). Đây là một thuộc tính của vật chất, và được gọi là quán tính của vật. Vì thế, định luật I Newton còn gọi là định luật quán tính.
Trên thực tế, không có vật cô lập tuyệt đối, mà chỉ có những vật chịu tác dụng của những lực cân bằng, khi đó định luật I Newton cũng nghiệm đúng.
a) Khái niệm về lực
Trong cuộc sống, ta thấy rõ nhiều hiện tượng vật này tác dụng vào vật kia. Chẳng hạn như: khi nâng một vật lên cao, tay ta đã tác dụng vào vật và vật đã đè lên tay ta; khi nam châm để gần đinh sắt sẽ hút đinh sắt, … Để đặc trưng cho các tác dụng đó, người ta đưa ra khái niệm về lực.
Lực là đại lượng vật lý đặc trưng cho tác dụng của vật này vào vật khác, là số đo của tác động cơ học do các đối tương khác tác dụng vào vật. Số đo ấy đặc trưng cho hướng và độ lớn của tác dụng.
Lực được kí hiệu là F (Force). Trong hệ SI, lực có đơn vị là newton (N). Lực là một đại lượng vectơ ( \( \overrightarrow{F} \)) và một khái niệm cơ bản của Động Lực Học.
+ Phương của lực \( \overrightarrow{F} \): cho biết phương tác dụng.
+ Chiều của \( \overrightarrow{F} \): cho biết chiều tác dụng.
+ Độ lớn của \( \overrightarrow{F} \): cho biết độ mạnh, yếu (cường độ) tác dụng.
+ Điểm đặt của \( \overrightarrow{F} \): cho biết vị trí (điểm) chịu tác dụng.
Dưới tác dụng của lực, vật có thể thu gia tốc hoặc bị biến dạng. Chương này không nghiên cứu sự biến dạng của vật, chỉ nghiên cứu quan hệ giữa gia tốc của chất điểm với các lực tác dụng vào nó.
Nếu tổng vectơ của hai lực đặt vào chất điểm bằng không thì sự có mặt của các tác động đo bởi các lực đó không được phản ánh trong chuyển động của chất điểm. Hai lực như vậy được gọi là hai lực cân bằng.
Trong cơ học, ta phân biệt ba loại lực:
+ Các lực hút tương hỗ giữa các vật – gọi là lực hấp dẫn.
+ Các lực xuất hiện khi các vật tiếp xúc trực tiếp tác dụng lên nhau. Các lực này có chung bản chất là lực đàn hồi.
+ Các lực là kết quả của sự tương tác giữa hai vật tiếp xúc nhau, chuyển động tương đối với nhau. Các lực này gọi là lực ma sát.
Bản chất và đặc điểm của các lực này, được trình bày rõ hơn ở mục 2.2.
Mọi vật đều có xu hướng bảo toàn trạng thái chuyển động ban đầu của mình. Thuộc tính đó gọi là quán tính của vật. Mức quán tính của vật được đặc trưng bởi một đại lượng vật lý đó là khối lượng. Ta nói: khối lượng là số đo mức quán tính của vật.
Quán tính của vật thể hiện ở gia tốc mà nó thu được khi có ngoại lực tác dụng và được định lượng bởi định luật II Newton: F = ma. Ta thấy, với cùng một lực tác dụng, trạng thái chuyển động biến đổi càng nhỏ (gia tốc càng nhỏ) khi khối lượng (quán tính) của vật càng lớn và ngược lại.
Khối lượng còn là đại lượng đặc trưng cho mức hấp dẫn giữa vật và các vật khác. Theo Newton, lực hấp dẫn giữa Trái đất và vật là F = mg. Như vậy, đối với cùng một vật, ta có thể viết: \( F={{m}_{i}}a \) và \( F={{m}_{g}}g \).
Trường hợp thứ nhất, khối lượng là số đo quán tính của vật, nên gọi là khối lượng quán tính và được kí hiệu là \( {{m}_{i}} \).
Trường hợp thứ hai, khối lượng là số đo tương tác hấp dẫn của vật với Trái đất, nên gọi là khối lượng hấp dẫn và được kí hiệu là mg.
Tuy nhiên, trong sự rơi tự do, mọi vật đều có cùng gia tốc a = g như nhau nên suy ra khối lượng quán tính và khối lượng hấp dẫn bằng nhau về trị số: \( {{m}_{i}}={{m}_{g}}=m \) (2.1)
Hệ thức (2.1) là một trong những kết luận vững chắc nhất của vật lý hiện đại. Trên cơ sở đó, ta đi đến khái niệm về khối lượng như sau: Khối lượng là số đo mức quán tính của vật và mức hấp dẫn của vật đối với vật khác. Trong hệ SI, đơn vị đo khối lượng là kilogam (kg) và là một trong bảy đơn vị cơ bản.
Khối lượng không phải là đại lượng bất biến. Thuyết tương đôi hẹp của Einstein đã chỉ ra rằng, khối lượng m của vật tăng theo vận tốc v của nó (xem chương 5) theo công thức: \( m=\frac{{{m}_{0}}}{\sqrt{1-\frac{{{v}^{2}}}{{{c}^{2}}}}} \) (2.2)
Trong đó mO là khối lượng của vật lúc đứng yên (khối lượng nghỉ), \( c={{3.10}^{8}}m/s \) là vận tốc ánh sáng trong chân không. Tuy nhiên, trong phạm vị cơ học cổ điển, \( v<<c \) nên \( m\approx {{m}_{0}} \), ta coi khối lượng là đại lượng bất biến.
Khi vật chịu tác dụng của ngoại lực \( \overrightarrow{F} \), nó sẽ thu một gia tốc \( \vec{a} \) theo hướng của lực, tỉ lệ thuận với lực và tỉ lệ nghịch với khối lượng của vật: \( \vec{a}=\frac{\overrightarrow{F}}{m} \) (2.3)
Nếu vật chịu tác dụng bởi nhiều lực thì \( \overrightarrow{F} \) chính là hợp lực của các lực thành phần.
Khi đó (2.3) trở thành: \( \vec{a}=\frac{{{\overrightarrow{F}}_{hl}}}{m}=\frac{\sum{\overrightarrow{F}}}{m}=\frac{{{\overrightarrow{F}}_{1}}+{{\overrightarrow{F}}_{2}}+…+{{\overrightarrow{F}}_{n}}}{m} \) (2.4)
Định luật II Newton phát biểu ở dạng (2.3) và (2.4) là cơ sở của động lực học chất điểm. Tuy nhiên, phạm vị áp dụng của nó chỉ đúng trong cơ học cổ điển (khối lượng được coi là bất biến).
Nếu vật A tác dụng vào vật B một lực \( \overrightarrow{F} \) thì vật B cũng tác dụng ngược trở lại vật A một lực \( {{\overrightarrow{F}}^{\prime }} \). Hai lực này tồn tại đồng thời, cùng giá, bằng nhau về độ lớn nhưng ngược chiều: \( \overrightarrow{F}=-{{\overrightarrow{F}}^{\prime }} \) (2.5)
\( \overrightarrow{F} \) được gọi là lục tác dụng vào vật thì \( {{\overrightarrow{F}}^{\prime }} \) gọi là phản lực của vật. Lực và phản lực là hai lực trực đối nhưng không cân bằng nhau, vì đặt vào hai vật khác nhau. Chúng có cùng bản chất, cùng tồn tại và mất đi đồng thời.
Định luật III Newton khẳng định tác dụng giữa các vật bao giờ cũng là “tương tác” (có tính hai chiều). Điều này thể hiện mối liên hệ biện chứng giữa các vật.
Từ các định luật cơ bản của Newton, ta khái quát nên một phương trình diễn tả mối quan hệ giữa lực tác dụng (nguyên nhân) và gia tốc của vật (kết quả): \( \sum{\overrightarrow{F}}=m\vec{a} \) (2.6)
Phương trình (2.6) được gọi là phương trình cơ bản của Động Lực Học chất điểm. Từ (2.6) suy ra:
+ Khi ngoại lực \( \overrightarrow{F}=0 \) thì gia tốc \( \vec{a}=0 \) và do đó \( \vec{v}=\overrightarrow{const} \): ta có chuyển động thẳng đều (2.6) thể hiện định luật Newton thứ nhất.
+ Khi ngoại lực \( \overrightarrow{F}\ne 0 \) thì từ (2.6) ta tìm lại (2.3): thể hiện định luật Newton thứ hai.
Khi chất điểm chuyển động cong, vectơ gia tốc được phân tích làm hai thành phần: \( \vec{a}={{\vec{a}}_{t}}+{{\vec{a}}_{n}} \) hay \( m\vec{a}=m{{\vec{a}}_{t}}+m{{\vec{a}}_{n}} \).
Suy ra: \( \overrightarrow{F}={{\overrightarrow{F}}_{t}}+{{\overrightarrow{F}}_{n}} \), nghĩa là lực tác dụng lên vật cũng được phân tích làm hai thành phần:
+ Thành phần \( {{\overrightarrow{F}}_{t}}=m{{\vec{a}}_{t}} \) gọi là lực tiếp tuyến (vì nằm trên tiếp tuyến quỹ đạo), có tác dụng làm thay đổi độ lớn của vectơ vận tốc (gây ra gia tốc tiếp tuyến).
+ Thành phần \( {{\overrightarrow{F}}_{n}}=m{{\vec{a}}_{n}} \) gọi là lực pháp tuyến (vì nằm trên pháp tuyến quỹ đạo), có tác dụng làm thay đổi hướng của vectơ vận tốc (gây ra gia tốc pháp tuyến).
Như vậy, vật chuyển động cong thì ngoại lực tác dụng phải có thành phần pháp tuyến: \( {{F}_{n}}=m{{a}_{n}}=\frac{m{{v}^{2}}}{R} \) (2.7)
Từ phương trình cơ bản (2.6) suy ra: nếu biết lực tác dụng vào vật (nghĩa là biết được nguyên nhân) thì sẽ tìm được gia tốc của vật và từ đó biết được tính chất chuyển động của vật (kết quả). Bài toán xác định tính chất chuyển động của vật khi biết các lực tác dụng vào vật được gọi là bài toán thuận. Trong một số trường hợp đơn giản, nếu biết trước tính chất chuyển động của vật, ta có thể tìm được nguyên nhân gây nên tính chất của chuyển động ấy – bài toán ngược.
Thư Viện Bài Giảng Vật Lý Đại Cương được xây dựng trên WordPress