Để dễ dàng vận dụng Thuyết Động Học Phân Tử vào việc khảo sát định lượng các tính chất của chất khí, ta bỏ qua những yếu tố phụ không ảnh hưởng đến những tính chất cơ bản của khí. Từ đó, xây dựng nên mẫu khí lí tưởng, bao gồm các đặc tính sau:
+ Một khối khí bất kì cũng gồm vô số các phân tử. Các phân tử có kích thước rất nhỏ so với khoảng cách giữa chúng, và được coi là những chất điểm.
+ Các phân tử khí luôn chuyển động hỗn loạn không ngừng và chỉ tương tác với nhau khi va chạm vào nhau.
+ Va chạm giữa các phân tử khí với nhau hay với thành bình là hoàn toàn đàn hồi.
Trên thực tế không có khí lí tưởng. Tuy nhiên, trong phạm vi gần đúng, các kết quả rút ra đối với khí lí tưởng cũng áp dụng được cho khí thực. Trong giáo trình này, ta chỉ nghiên cưu về khí lí tưởng.
Các phân tử khí chuyển động hỗn loạn không ngừng va vào thành bình hoặc vào bề mặt \(\Delta S\) bất kì nằm trong khối khí, tạo nên áp suất. Chuyển động của các phân tử càng nhanh, tức động năng càng lớn, thì đập vào bình với áp lực càng lớn, gây ra áp suất càng lớn. Ngoài ra, mật độ các phân tử khí càng lớn thì khả năng va chạm với thành bình càng cao, suy ra áp suất càng lớn.
Vậy, áp suất của khí có liên quan đến động năng của các phân tử khí và mật độ khí. Hệ thức liên hệ giữa áp suất, mật độ và động năng của các phân tử khí, gọi là phương trình cơ bản của Thuyết Động Học Phân Tử.
Xét một phân tử khí chuyển động với vận tốc \( {{\vec{v}}_{i}} \) đến va vào thành bình. Do va chạm là đàn hồi, nên sau va chạm, vận tốc của nó là \( {{\overrightarrow{v’}}_{i}} \) đối xứng với \( {{\overrightarrow{v}}_{i}} \) qua mặt tiếp xúc (thành phần tiếp tuyến không đổi). Độ biến thiên động lượng của phân tử khí đó là:
\( d{{\overrightarrow{p}}_{i}}={{\overrightarrow{p’}}_{i}}-{{\overrightarrow{p}}_{i}}=m{{\overrightarrow{v’}}_{i}}-m{{\overrightarrow{v}}_{i}} \)
Độ biến thiên động lượng theo phương Ox: \( d{{p}_{ix}}=m\left( v{{‘}_{ix}}-{{v}_{ix}} \right)=2m{{v}_{ix}} \). Suy ra, áp lực vuông góc mà phân tử khí này tác dụng lên thành bình là: \( {{f}_{ix}}=\left| \frac{d{{p}_{ix}}}{dt} \right|=\frac{2m{{v}_{ix}}}{dt} \).
Gọi ni là nồng độ (mật độ) các phân tử khí chuyển động theo phương Ox với vận tốc vix thì nồng độ các phân tử đi theo chiều dương là \( \frac{{{n}_{i}}}{2} \). Suy ra, số hạt Ni chuyển động với vận tốc vix đến đập vuông góc vào thành bình trong thời gian dt phải nằm trong hình trụ có đáy là \( \Delta S \), chiều cao là {{v}_{ix}}.dt. Ta có: \( {{N}_{i}}=\frac{{{n}_{i}}}{2}V=\frac{{{n}_{i}}}{2}.\Delta S.{{v}_{ix}}dt \).
\( \Rightarrow \) Áp lực do các phân tử này tác dụng vào thành bình là: \( {{F}_{ix}}={{N}_{i}}{{f}_{ix}}=m.{{n}_{i}}.\Delta S.v_{ix}^{2} \)
\( \Rightarrow \) Áp lực của tất cả các phân tử khí chuyển động với vận tốc vx khác nhau đến va vào thành bình trong thời gian dt là: \( {{F}_{x}}=\sum{{{F}_{ix}}}=\Delta S\sum{m.{{n}_{i}}.v_{ix}^{2}} \)
\( \Rightarrow \) Áp suất khí gây ra theo hướng Ox là: \( {{p}_{x}}=\frac{{{F}_{x}}}{\Delta S}=\sum{m.{{n}_{i}}.v_{ix}^{2}} \)
Tương tự, ta cũng có áp suất theo các hướng Oy, Oz: \( {{p}_{y}}=\sum{m.{{n}_{i}}.v_{iy}^{2}} \); \( {{p}_{z}}=\sum{m.{{n}_{i}}.v_{iz}^{2}} \)
Do tính hỗn loạn (không có hướng ưu tiên), nên \( {{p}_{x}}={{p}_{y}}={{p}_{z}}=p \)
\( \Rightarrow p=\frac{1}{3}\left( {{p}_{x}}+{{p}_{y}}+{{p}_{z}} \right)=\frac{1}{3}\sum{m.{{n}_{i}}\left( v_{ix}^{2}+v_{iy}^{2}+v_{iz}^{2} \right)}=\frac{1}{3}\sum{m.{{n}_{i}}v_{i}^{2}} \)
\( \Rightarrow p=\frac{2}{3}\sum{{{n}_{i}}\frac{mv_{i}^{2}}{2}}=\frac{2}{3}\sum{{{n}_{i}}{{w}_{i\text{đ}}}} \)
Gọi \( {{\bar{w}}_{\text{đ}}} \) là động năng trung bình của các phân tử khí, ta có:
\( {{\bar{w}}_{\text{đ}}}=\frac{\sum{{{n}_{i}}{{w}_{i\text{đ}}}}}{\sum{{{n}_{i}}}}=\frac{\sum{{{n}_{i}}{{w}_{i\text{đ}}}}}{n}\Rightarrow\sum{{{n}_{i}}{{w}_{i\text{đ}}}}=n{{\bar{w}}_{\text{đ}}} \)
Vậy: \( p=\frac{2}{3}n{{\bar{w}}_{\text{đ}}} \)
Trong đó: \( n=\sum{{{n}_{i}}} \) là nồng độ (hay mật độ) phân tử khí – chính là số phân tử khí trong một đơn vị thể tích. Trong hệ SI, nồng độ khí có đơn vị (m-3); \( {{\bar{w}}_{\text{đ}}} \) là động năng trung bình của các phân tử khí; p là áp suất của khí.
Phương trình (7.1) là phương trình cơ bản của Thuyết Động Học Phân Tử. Nó cho thấy mối quan hệ giữa áp suất (đại lượng vĩ mô) – đặc trưng cho tác dụng tập thể của các phân tử – với mật độ và động năng trung bình của các phân tử khí (các đại lượng vi mô) – đặc trưng cho phân tử và chuyển động của phân tử.
Phương trình (7.1) chỉ rõ cơ chế vi mô của áp suất chất khí tác dụng lên thành bình và phản ánh một cách tường minh các quan điểm cơ bản của Thuyết Động Học Phân Tử.
Phương trình (7.1) có tính thống kê. Các đại lượng trong (7.1) là các đại lượng thống kê. Ta chỉ có thể nói tới áp suất và động năng trung bình của một tập hợp rất lớn các phân tử; không thể nó tới áp suất và động năng của một hoặc một số ít phân tử.
Thư Viện Bài Giảng Vật Lý Đại Cương được xây dựng trên WordPress