Trong cơ học cổ điển Newton, thời gian là tuyệt đối còn vận tốc tuân theo quy luật cộng vận tốc. Điều này mâu thuẫn với thuyết tương đối Einstein, trong đó thời gian phụ thuộc chuyển động và công thức cộng vận tốc không còn đúng nữa. Để chứng minh nhận xét này, ta hãy xét hệ quy chiếu quán tính Oxyz và hệ quy chiếu quán tính O’x’y’z’ chuyển động dọc theo trục Ox với vận tốc V. Ta đặt một nguồn sáng tại điểm A trên trục O’x’ trong hệ O’ và hai điểm B và C đối xứng qua A như trên hình 5.1.
Trước tiên ta xét công thức cộng vận tốc \({{\vec{v}}_{a}}={{\vec{v}}_{r}}+{{\vec{v}}_{c}}\). Theo nguyên lý tương đối Galilée vận tốc ánh sáng trong hệ O theo chiều dương của trục x sẽ bằng \( \left( c+V \right) \) còn theo chiều âm bằng \( \left( c-V \right) \). Điều đó mâu thuẫn với nguyên lý vận tốc ánh sáng bất biến đối với các hệ quy chiếu quán tính torng thuyết tương đối.
Bây giờ xét đến mâu thuẫn về tính chất tương đối và tuyệt đối của thời gian. Đối với hệ O’ thì nguồn sáng A đứng yên vì nó cùng chuyển động với hệ O’. Theo thuyết tương đối thì vận tốc tín hiệu ánh sáng truyền đi mọi phương đều bằng c nên trong hệ O’ các tín hiệu sẽ đến các điểm B và C cách đều A cùng một lúc. Nhưng các tín hiệu sáng sẽ đến các điểm B và C không đồng thời trong hệ O. Trong hệ này vận tốc truyền ánh sáng vẫn bằng c nhưng vì điểm B chuyển động đến gặp tín hiệu sáng gửi từ A đến B còn điểm C chuyển động ra xa khỏi tín hiệu gửi từ A đến C, do đó trong hệ O tín hiệu sáng sẽ gửi tới điểm B sớm hơn. Như vậy trong hệ O, theo thuyết tương đối thì các điểm B và C nhận tín hiệu sáng không đồng thời; còn theo thuyết cơ học cổ điển, các tín hiệu sáng đến B và C đồng thời do quan niệm thời gian không phụ thuộc hệ tọa độ.
Phép biến đổi Galilée dẫn tới quy luật cộng vận tốc, mà quy luật này mâu thuẫn với nguyên lý về sự bất biến của vận tốc ánh sáng. Như vậy phép biến đổi Galilée không thỏa mãn các yêu cầu của thuyết tương đối. Phép biến đổi các tọa độ không gian và thời gian khi chuyển từ hệ quán tính này sang hệ quán tính khác thỏa mãn các yếu cầu của thuyết tương đối là phép biến đổi Lorentz.
Xét hai hệ quán tính Oxyz và O’x’y’z’, hệ O’ chuyển động so với hệ O với vận tốc V theo phương x (Hình 5.2). Giả sử lúc đầu hai gốc O và O’ của hai hệ trùng nhau. Gọi (x, y, z, t) và (x’, y’, z’, t’) là các tọa độ không gian và thời gian trong các hệ O và O’.
Gốc tọa độ O’ của hệ O’ có tọa độ x’ = 0 trong hệ O’ và \( x=Vt \) trong hệ O. Do đó, biểu thức \( x-Vt \) phải triệt tiêu đồng thời với tọa độ x’. Muốn thế phép biến đổi tuyến tính phải có dạng: \( x’=\alpha \left( x-Vt \right) \) (5.1)
Trong đó \( \alpha \) là một hằng số nào đó. Tương tự, gốc tọa độ O của hệ O có tọa độ x = 0 trong hệ O và \( x’=-Vt’ \) trong hệ O’. Do đó ta có: \( x=\beta \left( x’+Vt’ \right) \) (5.2)
Theo nguyên lý tương đối Einstein, mọi định luật vật lý đều như nhau trong các hệ quy chiếu quán tính. Như vậy các phương trình (5.1) và (5.2) có thể suy ra lẫn nhau bằng cách thay \( V\Leftrightarrow -V \), \( x\Leftrightarrow x’ \) và \( t\Leftrightarrow t’ \), do đó \( \beta =\alpha \).
Theo nguyên lý bất biến của vận tốc ánh sáng, nếu trong hệ O ta có \( x=ct \) thì trong hệ O’ ta có \( x’=ct’ \). Thay các biểu thức này vào (5.1) và (5.2), ta được: \( ct’=\alpha \left( ct-Vt \right)=\alpha t\left( c-V \right) \) (5.3a)
\( ct=\alpha \left( ct’+Vt’ \right)=\alpha t’\left( c+V \right) \) (5.3b)
Nhân cả hai hệ thức với nhau ta đi tới phương trình: \( {{c}^{2}}={{\alpha }^{2}}\left( {{c}^{2}}-{{V}^{2}} \right) \)
Từ đó ta có: \( \alpha =\frac{1}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}} \) (5.4)
Thay \(\alpha \) vào (5.1) và \(\beta =\alpha \) vào (5.2) ta được:
\( x’=\frac{x-Vt}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}} \); \( x=\frac{x’-Vt’}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}} \) (5.5)
Mặt khác, sự phụ thuộc giữa t và t’ là:
\(t’=\frac{t-\frac{V}{{{c}^{2}}}x}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}}\); \(t=\frac{t’-\frac{V}{{{c}^{2}}}x’}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}}\) (5.6)
Do hệ O’ chuyển động dọc theo trục x nên y = y’ và z = z’. Vì vậy ta được các công thức biến đổi Lorentz như sau:
\( x’=\frac{x-Vt}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}} \); \( y’=y \); \( z’=z \); \( t’=\frac{t-\frac{V}{{{c}^{2}}}x}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}} \) (5.7)
\(x=\frac{x’+Vt’}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}}\); \(y=y’\); \(z=z’\); \(t=\frac{t’+\frac{V}{{{c}^{2}}}x’}{\sqrt{1-\frac{{{V}^{2}}}{{{c}^{2}}}}}\) (5.8)
Từ các biểu thức (5.7) và (5.8) ta thấy rằng khi \( c\to \infty \) hay khi \( \frac{V}{c}\to 0 \) thì chúng trở thành: \( x’=x-Vt;y’=y;z’=z;t’=t \) (5.9)
\( x=x’+Vt’;y=y’;z=z’;t=t’ \) (5.10)
Nghĩa là trở thành các công thức biến đổi Galilée trong cơ học cổ điển.
Thư Viện Bài Giảng Vật Lý Đại Cương được xây dựng trên WordPress