Từ xa xưa, con người đã biết hiện tượng một số vật sau khi cọ xát thì chúng có thể hút hoặc đẩy nhau và chúng hút được các vật nhẹ. Người ta gọi chúng là các vật nhiễm điện và phân biệt thành hai loại nhiễm điện dương và âm. Mãi tới đầu thế kỉ XVII, người ta mới nghiên cứu lĩnh vực này như một ngành khoa học.
Các vật nhiễm điện có chứa điện tích. Điện tích được kí hiệu là q hoặc Q. Trong tự nhiên, tồn tại hai loại điện tích: điện tích dương, kí hiệu là (+) và điện tích âm, kí hiệu là (-). Đơn vị đo điện tích là coulomb, kí hiệu là C. Giá trị tuyệt đối của điện tích được gọi là điện lượng.
Năm 1886, Stoney đưa ra khái niệm điện tích nguyên tố. Điện tích có giá trị nhỏ nhất trong tự nhiên được gọi là điện tích nguyên tố, nghĩa là điện tích chứa trong một vật bất kỳ luôn bằng số nguyên lần điện tích nguyên tố. Giá trị của điện tích nguyên tố là \( e=1,{{6.10}^{-19}}C \).
+ Điện tích của hạt electron là điện tích nguyên tố âm: \( -e=-1,{{6.10}^{-19}}C \)
+ Điện tích của hạt proton là điện tích nguyên tố dương: \( +e=+1,{{6.10}^{-19}}C \)
Điện tích chứa một vật bất kỳ luôn bằng số nguyên lần điện tích nguyên tố: \( Q=ne\begin{matrix}{} & (1.1) \\\end{matrix} \), với n là số nguyên.
Giữa thế kỷ XX, các hạt quark có điện tích \( \pm \frac{e}{3} \)hoặc \( \pm \frac{2e}{3} \) được phát hiện. Nhưng vì các quark không tồn tại một cách riêng biệt, nên chúng ta không chọn chúng làm điện tích nguyên tố.
Theo thuyết điện tử, vật chất được cấu tạo từ những nguyên tử. Mỗi nguyên tử gồm hạt nhân mang điện dương và các electron quay xung quanh. Bình thường, tổng điện tích của electron có độ lớn bằng điện tích của hạt nhân nên nguyên tử trung hòa về điện. Nếu nguyên tử mất electron, nó sẽ tích điện dương và trở thành ion dương; nếu nhận thêm electron, nguyên tử sẽ tích điện âm và trở thành ion âm. Như vậy, một vật tích điện âm hay điện dương khi nó thừa hay thiếu electron. Số electron thừa hay thiếu được xác định từ \( \left( 1.1 \right) \).
Điện tích dương và điện tích âm có thể trung hòa lẫn nhau nhưng tổng đại số các điện tích trong một hệ cô lập là không đổi – đó là nội dụng của định luật bảo toàn điện tích.
Một vật mang điện mà kích thước của vật không đáng kể so với những khoảng cách mà ta khảo sát thì vật đó được coi là một điện tích điểm. Nghiên cứu các tính chất điện do điện tích điểm gây ra là cơ sở để nghiện cứu các tính chất điện do một vật mang điện gây ra.
Đối với vật tích điện có kích thước lớn, điện tích của vật có thể phân bố khắp trong thể tích của vật, cũng có thể chỉ phân bố trên bề mặt của vật hoặc phân bố dọc theo chiều dài của vật đó. Từ đó người ta xây dựng các khác nhau về mật độ điện tích.
+ Mật độ điện khối là mật độ điện tích phân bố trong thể tích của vật, kí hiệu là \( \rho \), được định nghĩa là: \( \rho =\frac{dq}{dV}\begin{matrix}{} & (1.2) \\\end{matrix} \), trong đó dq là điện tích chứa trong yếu tố thể tích dV của vật mang điện.
Trong trường hợp tổng quát, giá trị của \( \rho \) phụ thuộc vào vị trí của từng điểm trong thể tích V của vật, ta viết \( \rho =\rho (x,y,z) \). Khi đó, điện tích của vật mang điện được tính bởi: \( Q=\int\limits_{(V)}{\rho dV}\begin{matrix}{} & (1.3) \\\end{matrix} \)
Trường hợp đặc biệt, nếu giá trị của \( \rho \) là không thay đổi tại mọi điểm trong thể tích V của vật ( \( \rho =const \)) thì ta nói điện tích phân bố đều trong thể tích của vật. Khi đó điện tích của vật sẽ là: \( Q=\rho V\begin{matrix}{} & (1.4) \\\end{matrix} \)
+ Mật độ điện mặt là mật độ điện tích phân bố trên bề mặt của vật, kí hiệu là \( \sigma \), được định nghĩa là \( \sigma =\frac{dq}{dS}\begin{matrix}{} & (1.5) \\\end{matrix} \) trong đó dq là điện tích chứa trong yếu tố diện tích bề mặt dS của vật mang điện.
Trường hợp tổng quát, giá trị của \( \sigma \) phụ thuộc vào vị trí của từng điểm trên điện tích bề mặt S của vật, ta viết \( \sigma =\sigma (x,y,z) \). Khi đó, điện tích của vật mang điện được tính bởi: \( Q=\int\limits_{(S)}{\sigma dS}\begin{matrix}{} & (1.6) \\\end{matrix} \)
Trường hợp đặc biệt, nếu giá trị của \( \sigma \) là không thay đổi tại mọi điểm trên bề mặt S của vật ( \( \sigma =const \)) thì ta nói điện tích phân bố đều trên bề mặt của vật. Khi đó điện tích của vật sẽ là \( Q=\sigma S\begin{matrix}{} & (1.7) \\\end{matrix} \)
+ Mật độ điện dài là mật độ điện tích phân bố dọc theo chiều dài của vật, kí hiệu là \( \lambda \), được định nghĩa là \( \lambda =\frac{dq}{dl}\begin{matrix}{} & (1.8) \\\end{matrix} \), trong đó dq là điện tích chứa trong yếu tố chiều dài \( dl \) của vật mang điện.
Trường hợp tổng quát, giá trị của \( \lambda \) phụ thuộc vào vị trí của từng điểm dọc theo chiều dài L của vật, ta viết \( \lambda =\lambda (x,y,z) \). Khi đó, điện tích của vật mang điện được tính bởi: \( Q=\int\limits_{(L)}{\lambda dl}\begin{matrix}{} & (1.9) \\\end{matrix} \)
Trường hợp đặc biệt, nếu giá trị của \( \lambda \) là không thay đổi tại mọi điểm trên chiều dài L của vật ( \( \lambda =const \)) thì ta nói điện tích phân bố đều dọc theo chiều dài của vật. Khi đó, điện tích của vật sẽ là \( Q=\lambda L\begin{matrix}{} & (1.10) \\\end{matrix} \)
Trong hệ SI, đơn vị đo mật độ điện khối \( \rho \) là coulomb trên mét khối \( \left( C/{{m}^{3}} \right) \), đơn vị đo mật độ điện mặt \( \sigma \) là coulomb trên mét vuông \( \left( C/{{m}^{2}} \right) \) và đơn vị đo mật độ điện dài \( \lambda \) là coulomb trên mét \( \left( C/m \right) \).
Câu 1. Hai hòn bi sắt giống hệt nhau, tích điện lần lượt là \( {{q}_{1}}=3,2\mu C \) và \( {{q}_{2}}=-9,6\mu C \).
a) Chúng thừa hay thiếu bao nhiêu electron?
b) Cho chúng chạm nhau thì điện tích lúc sau của chúng là bao nhiêu?
Hướng dẫn giải:
a) Hòn bi thứ nhất tích điện dương nên nó thiếu electron. Số electron thiếu là:
\( {{n}_{1}}=\frac{{{q}_{1}}}{e}=\frac{3,{{2.10}^{-6}}}{1,{{6.10}^{-19}}}={{2.10}^{13}}\text{ electron} \)
Hòn bi thứ hai tích điện âm nên nó thừa electron. Số electron thừa là:
\( {{n}_{2}}=\frac{{{q}_{2}}}{e}=\frac{-9,{{6.10}^{-6}}}{-1,{{6.10}^{-19}}}={{6.10}^{13}}\text{ electron} \)
b) Khi cho hai hòn bi chạm vào nhau, chúng sẽ trao đổi điện tích cho nhau. Do hai hòn bi giống hệt nhau nên điện tích lúc sau của chúng phải bằng nhau. Theo định luật bảo toàn điện tích, tổng đại số các điện tích phải không đổi. Vì thế, điện tích lúc sau của mỗi hòn bi là:
\( {{Q}_{1}}={{Q}_{2}}=\frac{{{q}_{1}}+{{q}_{2}}}{2}=\frac{3,2-9,6}{2}=-3,2\mu C \)
Thư Viện Bài Giảng Vật Lý Đại Cương được xây dựng trên WordPress